THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

New2

TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CS VN– CÔNG ĐOÀN CAO SU VIỆT NAM

Tháng 3/2014

TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM CAO SU VIỆT NAM Độc Lập - Tự do - Hạnh Phúc TP. Hồ Chí Minh -------------------

Số: 793/TƯLĐTT TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2014

THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

----------------

- Căn cứ Bộ Luật Lao động được sửa đổi, bổ sung năm 2012;

- Căn cứ Biên bản thương lượng giữa đại diện Người sử dụng lao động: Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam với Đại diện tập thể Người lao động: Công đoàn Cao su Việt Nam họp ngày 24 tháng 3 năm 2014;

Để đảm bảo đảm quyền và lợi ích của Người lao động, quyền và lợi ích của Người sử dụng lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp, chúng tôi gồm:

1. Đại diện Người sử dụng lao động:

- Ông: TRẦN NGỌC THUẬN

- Chức vụ: Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

- Địa chỉ: 236 Nam Kỳ Khởi Nghĩa Quận 3, TP. Hồ Chí Minh

2. Đại diện tập thể lao động:

- Ông: PHAN MẠNH HÙNG

- Chức vụ: Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam

- Địa chỉ: 229 Hoàng Văn Thụ Quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh

Cùng nhau thỏa thuận, cam kết thực hiện các quy định trong Bản Thỏa ước lao động tập thể này, với các nội dung sau đây:

Chương I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Bản Thỏa ước này Quy định trách nhiệm, quyền lợi của Người sử dụng lao động và tập thể Người lao động trong quan hệ lao động. Những vấn đề không quy định trong Bản Thỏa ước này sẽ được thực hiện theo pháp luật về lao động.

Điều 2: Đối tượng thi hành Thỏa ước lao động tập thể bao gồm:

1. Người sử dụng lao động:

a) Tổng giám đốc Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

b) Tổng giám đốc Tổng công ty, công ty là doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. (có danh sách kèm theo)

2. Người lao động và Đại diện tập thể lao động:

a) Người lao động: Là Người đang làm việc theo hợp đồng lao động cho Người sử dụng lao động quy định tại Khoản 1 Điều 2 bản thỏa ước này.

b) Đại diện tập thể lao động: Là Ban chấp hành công đoàn Cao su Việt Nam và Ban chấp hành công đoàn cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở tại các doanh nghiệp theo danh sách quy định tại Khoản 1 Điều 2 bản thỏa ước này.

Điều 3: Cam kết trách nhiệm thi hành Thỏa ước lao động tập thể:

1. Trách nhiệm của Người sử dụng lao động

- Bảo đảm quyền tự do của Người lao động tham gia hoạt động Công đoàn và các đoàn thể được Nhà nước thừa nhận. Tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ Công đoàn hoạt động theo Điều lệ và Luật Công đoàn;

- Chấp hành đúng các quy định của pháp luật về lao động và các quy định tại Thỏa ước lao động tập thể này;

- Cải thiện điều kiện làm việc, môi trường và vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn lao động và sức khỏe Người lao động;

- Tạo điều kiện thuận lợi cho Người lao động trong doanh nghiệp nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ và hoàn thành công việc được giao;

- Xây dựng và thực hiện văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp phù hợp với văn hóa ứng xử của cộng đồng; thực hiện bình đẳng giới.

2. Trách nhiệm của Đại diện tập thể lao động

- Thực hiện đúng những điều, khoản đã được ký trong Thỏa ước lao động tập thể này và các quy định của pháp luật về lao động;

- Tuyên truyền, vận động Người lao động chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về lao động, hợp đồng lao động, nội quy lao động và các quy chế nội bộ của doanh nghiệp, phấn đấu học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ, tay nghề để hoàn thành công việc được giao;

- Tham gia xây dựng văn hóa ứng xử trong doanh nghiệp; xây dựng mối đoàn kết nội bộ; xây dựng tinh thần hợp tác giũa Người lao động, tập thể lao động với Người sử dụng lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp.

Chương II: VIỆC LÀM VÀ BẢO ĐẢM VIỆC LÀM

Điều 4. Tuyển dụng, sử dụng lao động:

1. Ưu tiên tuyển dụng đối với những trường hợp sau đây, nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn tuyển chọn do doanh nghiệp quy định:

- Cán bộ nhân viên lao động là bộ đội hết thời hạn thi hành nghĩa vụ quân sự;

- Con, em của cán bộ, nhân viên, công nhân và lao động đang làm việc tại doanh nghiệp, hoặc đã nghỉ hưu.

2. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm ký hợp đồng lao động với Người lao động khi được tuyển dụng chính thức theo quy định của pháp luật.

Chương III: THỜI GIỜ LÀM VIỆC, THỜI GIỜ NGHỈ NGƠI

Điều 5: Thời giờ làm việc của Người lao động:

1. Thời giờ làm việc:

- Đối với CB.CNV gián tiếp: Ngày làm việc 8 giờ, 40 giờ/tuần.

- Đối với CNLĐ trực tiếp:

* Trong điều kiện làm việc bình thường: Ngày làm việc 8 giờ, 48 giờ/tuần.

* Trong điều kiện làm việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm: Ngày làm việc 6 giờ, 36 giờ/tuần.

2.Thời giờ làm thêm: Không quá 200 giờ trong một năm.

Điều 6: Thời giờ nghỉ ngơi của Người lao động:

- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí thời gian nghỉ ngơi cho Người lao động theo pháp luật lao động. Trường hợp Người lao động yêu cầu nghỉ phép năm, nhưng Người sử dụng lao động không sắp xếp được thời gian nghỉ phép năm do yêu cầu công việc, thì ngoài tiền lương phải trả theo quy định Người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán bằng tiền theo chế độ lương ngoài giờ cho những ngày Người lao động không được nghỉ phép.

- Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật mà Người lao động chưa nghỉ hết số ngày phép trong năm thì được Người sử dụng lao động thanh tóan tiền lương tương ứng với số ngày Người lao động chưa nghỉ phép.

- Căn cứ kết quả sản xuất kinh doanh và kết quả lao động của cán bộ, công nhân, viên chức lao động trong doanh nghiệp, hằng năm Ban Chấp hành Công đoàn các doanh nghiệp phối hợp với Người sử dụng lao động tổ chức cho cán bộ, công nhân viên chức và lao động đi tham quan, nghỉ mát trong và ngoài nước trong điều kiện cho phép (tối thiểu 03 ngày).

- Khuyến khích các doanh nghiệp bố trí cho cán bộ, công nhân, viên chức và lao động được nghỉ vào các ngày lễ kỉ niệm của Ngành (28/10 hằng năm); kỷ niệm ngày thành lập doanh nghiệp mình…

Chương IV: TIỀN LƯƠNG, PHỤ CẤP LƯƠNG, TIỀN THƯỞNG

Điều 7: Tiền lương

1. Người sử dụng lao động đảm bảo mức lương thấp nhất trả cho người làm công việc giản đơn nhất trong các doanh nghiệp theo từng địa bàn thuộc Tập đoàn cao hơn mức tiền lương tối thiểu theo vùng là 5%.

2. Hàng năm, căn cứ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và chỉ số giá tiêu dùng do Tổng cục Thống kê công bố, Người sử dụng lao động có trách nhiệm trao đổi với Ban Chấp hành công đoàn cùng cấp để điều chỉnh mức thu nhập quy định cho phù hợp.

Điều 8: Phụ cấp lương

Thực hiện theo quy định hiện hành đối với CB.CNVCLĐ làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và một bộ phận ở nước ngoài.

Điều 9: Tiền thưởng

Hằng năm, căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh và lợi nhuận được phân phối, Người sử dụng lao động phấn đấu chi thưởng cho Người lao động tối thiểu bằng 01 tháng lương thực trả nhân với hệ số bình xét A – B – C.

Điều 10: Quy chế trả lương áp dụng trong doanh nghiệp:

1. Tiền lương cán bộ quản lý: được phân phối theo Quy chế trả lương của đơn vị theo nguyên tắc làm công việc gì thì trả lương theo công việc đó;

2. Tiền lương của cán bộ Công đoàn chuyên trách do Ngân sách Công đoàn chi trả và được Người sử dụng lao động hỗ trợ đảm bảo thu nhập tương đương: Tiền lương Chủ tịch công đoàn chuyên trách bằng Phó Tổng giám đốc; Phó Chủ tịch công đoàn chuyên trách bằng Trưởng phòng và các phúc lợi tập thể như Người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp;

3. Căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh, hằng năm Người sử dụng lao động chi hỗ trợ thu nhập thêm đối với nhân viên làm việc trong các lĩnh vực Y tế, Nhà trẻ mẫu giáo trong doanh nghiệp;

4. Từ ngày 05 đến ngày 10 hằng tháng Người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền lương cho Người lao động. Trường hợp bất khả kháng phải trả lương chậm thì không được trả chậm quá 01 tháng, những ngày trả chậm Người sử dụng lao động phải trả lãi suất cho Người lao động theo mức lãi suất tiền gửi ngân hàng tại thời điểm do Nhà nước quy định.

Chương V: KHEN THƯỞNG KỶ LUẬT VÀ PHÚC LỢI XÃ HỘI

Điều 11: Khen thưởng – Kỷ luật

- Khen thưởng theo quy chế khen thưởng của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Luật thi đua khen thưởng. Trường hợp đột xuất hoặc nhân dịp Lễ, Tết… để kịp thời động viên Người lao động, Người sử dụng lao động được quyền thưởng ngay cho các tập thể, cá nhân theo mức chi cho phép.

- Kỷ luật: các hình thức xử lý kỷ luật vi phạm áp dụng Bộ Luật Lao động;

Điều 12: Sử dụng Quỹ phúc lợi

1. Đối với người đủ điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu hàng tháng:

- Căn cứ khả năng nguồn Quỹ phúc lợi, Người sử dụng lao động hỗ trợ thêm cho người nghỉ hưu 01 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động;

- Có chế độ thăm hỏi, tham quan du lịch hằng năm do doanh nghiệp tổ chức;

2. Đại diện tập thể Người lao động phối hợp với Người sử dụng lao động lập kế hoạch sử dụng Quỹ phúc lợi hàng năm trình Hội nghị Người lao động thảo luận và quyết định. Trong trường hợp phải sử dụng Quỹ phúc lợi chi tiêu ngoài kế hoạch, Người sử dụng lao động cùng Đại diện tập thể Người lao động quyết định và báo cáo với Hội nghị Người lao động trong kỳ họp gần nhất;

3. Đại diện tập thể Người lao động có quyền kiểm tra và yêu cầu Người sử dụng lao động đình chỉ việc sử dụng Quỹ phúc lợi trái với quy định của Nhà nước, của Hội nghị Người lao động.

Chương VI: GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG

Điều 13: Mối quan hệ giữa Người lao động và Đại diện tập thể Người lao động:

1. Đại diện tập thể Người lao động phối hợp cùng Người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua lao động sản xuất thực hành tiết kiệm, phong trào lao động sáng tạo, phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi… phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của doanh nghiệp;

2. Khi giải quyết tiền lương, tiền thưởng, nhà ở, thi hành kỷ luật Người lao động, Người sử dụng lao động cần phối hợp chặt chẽ và thảo luận với BCH Công đoàn cùng cấp để giải quyết;

3. Trước khi quyết định về tiền lương, tiền thưởng cho Người lao động, Người sử dụng lao động tổ chức thảo luận nhất trí với BCH Công đoàn để đảm bảo giải quyết các vấn đề nói trên được dân chủ, công khai, công bằng, chính xác;

4. Trường hợp xảy ra phản ứng, tranh chấp lao động tập thể (nếu có) Người sử dụng lao động và BCH Công đoàn đơn vị có tranh chấp, phản ứng tập thể có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan quản lý và Công đoàn cấp trên trực tiếp để kịp thời giải quyết, kiên quyết không để xảy ra tình trạng đình công trái luật.

Chương VII: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14: Thời hạn của Thỏa ước lao động tập thể

1. Bản Thỏa ước lao động tập thể này có hiệu lực trong thời hạn 2 năm, kể từ ngày hai bên ký kết;

Trong quá trình thực hiện có vấn đề mới phát sinh, hai bên tiến hành thương lượng, thỏa thuận, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

2. Khi Thỏa ước lao động tập thể hết thời hạn hiệu lực, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn Thỏa ước lao động tập thể hoặc ký kết Thỏa ước lao động tập thể mới. Khi Thỏa ước lao động tập thể hết thời hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng thì Thỏa ước lao động tập thể vẫn có hiệu lực. Nếu quá 03 tháng, kể từ ngày Thỏa ước lao động tập thể hết hạn mà thương lương không đi đến kết quả, thì Thỏa ước lao động tập thể đương nhiên hết hiệu lực

Điều 15: Quan hệ với Thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp.

1. Trên cơ sở Nội dung của Thỏa ước lao động tập thể này, từng doanh nghiệp căn cứ vào điều kiện sản xuất kinh doanh và chính sách của Nhà nước ban hành, Người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn tại doanh nghiệp có thể thương lượng, thỏa thuận quy định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích Người lao động co lợi hơn so với quy định tại Thỏa ước lao động tập thể này;

2. Các doanh nghiệp đang áp dụng Thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, hoặc hợp đồng lao động có nội dung trái với Thỏa ước lao động tập thể này thì nghiên cứu sửa đổi, bổ sung lại cho phù hợp;

Điều 16: Điều khoản thi hành

1. Bản Thỏa ước lao động tập thể này là văn bản pháp lý cao nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, làm cơ sở để giải quyết các mối quan hệ lao động phát sinh trong Tập đoàn; đồng thời làm cơ sở để kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp thành viên;

2. Thỏa ước lao động tập thể được đăng ký tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và được thi hành cùng với các phụ lục kèm theo (bao gồm những phụ lục về nội quy kỷ luật lao động, tiêu chuẩn thi đua khen thưởng, nguyên tắc chi thưởng …)

3. Bản Thỏa ước lao động tập thể này được thông báo rộng rãi đến các doanh nghiệp, đơn vị thành viên và công nhân lao động trong 35 doanh nghiệp tham gia Thỏa ước Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

4. Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam cam kết mọi quyền lợi của Người lao động được giải quyết đầy đủ thông qua thỏa ước này. Trường hợp 1 trong 2 bên có ý kiến sửa đổi bổ sung phải thông qua Hội nghị hiệp thương trong thời gian gần nhất và thông báo cho công nhân lao động biết.

5. Trong quá trình thực hiện Thỏa ước có những vấn đề phát sinh mới, thì 2 bên sẽ tiếp tục thương lượng, bổ sung vào phụ lục Thỏa ước.

Thỏa ước lao động tập thể này được ký kết tại: Hội nghị Đại biểu Người Lao động Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam năm 2014 và lập thành 04 bản gửi cho:

- Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam;

- Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam;

- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;

- Bộ Lao động, thương binh và Xã hội Việt Nam.

ĐẠI DIỆN TẬP THỂ LAO ĐỘNG ĐẠI DIỆN NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG

CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN TỔNG GIÁM ĐỐC

(Đã ký)(Đã ký)

DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ THÀNH VIÊN THAM GIA

THỎA ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ

TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP CAO SU VIỆT NAM

1.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Tổng Công ty Cao su Đồng Nai

2.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Bà Rịa

3.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Bình Long

4.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Lộc Ninh

5.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Dầu Tiếng

6.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Phú Riềng

7.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Tân Biên

8.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Bình Thuận

9.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Chư Pảh

10.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Chư Prông

11.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Chư Sê

12.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Eah'Leo

13.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Kon Tum

14.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Krông Buk

15.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Mang Yang

16.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Quảng Nam

17.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Hà Tĩnh

18.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Quảng Ngãi

19.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Hương Khê-HT

20.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Quảng Trị

21.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Nam Giang-QN

22.Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao su Thanh Hóa

23.Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú

24.Công ty Cổ phần Cao su Tây Ninh

25.Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa

26.Công ty Cổ phần Cao su Hòa Bình

27.Công ty cổ phần Cao su Sa Thầy

28.Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu

29.Công ty Cổ phần Cao su Hà Giang

30.Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu II

31.Công ty Cổ phần Cao su Yên Bái

32.Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên

33.Công ty Cổ phần Cao su Sơn La

34.Công ty Cổ phần Cao su Việt Lào

35.Công ty Cổ phần Cao su Quasa Geruco

VNM Rubber Industry Group Vietnam - 2014

Ngày bắt đầu: → 2014-03-24
Ngày kết thúc: → 2016-03-23
Được phê duyệt bởi: → Ministry
Đã được phê duyệt ngày: → 2014-03-24
Tên ngành: → Sản xuất
Tên ngành: → Sản xuất vải sợi
Khu vực công/ khu vực tư nhân: → Trong khu vực cá nhân
Kết luận bởi:
Tên của Hiệp hội: → Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam
Tên của Tổ chức công đoàn: →  Công đoàn Cao su Việt Nam

VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI

Trả lương công bằng cho công việc có giá trị như nhau: → Không
Các điều khoản phân biệt đối xử ở nơi làm việc: → Có
Cơ hội thăng tiến bình đẳng cho lao động nữ: → Không
Cơ hội được đào tạo và đào tạo lại bình đẳng cho lao động nữ: → Không
Bình đẳng giới trong đội ngũ cán bộ công đoàn tại nơi làm việc: → Không
Các điều khoản về quấy rối tình dục tại nơi làm việc: → Không
Các điều khoản về bạo lực tại nơi làm việc: → Không
Chế độ nghỉ đặc biệt cho công nhân bị bạo lực gia đình: → Không
Hỗ trợ cho lao động khuyết tật nữ: → Không
Giám sát về bình đẳng giới: → 

THỜI GIỜ LÀM VIỆC, LỊCH TRÌNH LÀM VIỆC VÀ NGÀY NGHỈ

Số giờ làm việc mỗi ngày: → 8.0
Số giờ làm việc mỗi tuần: → 48.0
Số giờ làm thêm tối đa: → 3.8
Nghỉ phép hàng năm có hưởng lương: →  ngày
Ngày nghỉ phép hàng năm có hưởng lương: →  tuần
Quy định về bố trí công việc linh hoạt: → 

TIỀN LƯƠNG

Tiền lương được xác định theo thang bảng lương: → No
Quy định về tuân thủ mức lương tối thiểu do Chính phủ đã công bố: → Có
Điều chỉnh tiền lương khi các chi phí sinh hoạt tăng: → 

Tăng lương

Chỉ thanh toán thêm một lần

Chỉ thanh toán thêm một lần theo doanh thu của doanh nghiệp: → Có

Phiếu ăn

Trợ cấp bữa ăn: → Không
Hỗ trợ pháp lý miễn phí: → 
Loading...