Không phân biệt đối xử
Theo quy định tại Điều 26 của Hiến pháp, công dân nam và nữ có quyền bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực. Nhà nước có chính sách để đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới. Theo quy định tại Điều 16 của Hiến pháp, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Lao động nam và nữ phải được đối xử bình đẳng tại nơi làm việc. Người lao động có quyền làm việc và tự do lựa chọn việc làm, nghề nghiệp mong muốn. Họ cũng có thể tự do lựa chọn việc đào tạo nghề mà họ muốn tham gia và có quyền nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của họ. Nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trên các cơ sở giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật hoặc tham gia hoạt động công đoàn tại nơi làm việc. Bộ luật Lao động nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử dựa trên giới tính hoặc tình trạng hôn nhân. Người sử dụng lao động phải tuân thủ và thực hiện nguyên tắc bình đẳng nam và nữ trong tuyển dụng, giao việc, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, nâng bậc lương, tiền công. Việc vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm việc áp dụng trình độ (tiêu chuẩn) khác nhau trong việc tuyển dụng lao động nam và nữ cho cùng một công việc; từ chối hoặc hạn chế tuyển dụng lao động, sa thải người lao động vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con hoặc nuôi con của họ; phân biệt đối xử trong giao việc lao động nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc áp dụng mức lương khác nhau cho người lao động tương đương về trình độ và năng lực vì lý do giới tính; và từ chối thực hiện các quyền cụ thể cho lao động nữ đều được quy định trong pháp luật lao động.
Bộ luật Lao động 2019 nghiêm cấm phân biệt đối xử trong lao động vì các lý do sau: chủng tộc, màu da, quốc tịch, dân tộc, giới tính, tuổi tác, mang thai, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, quan điểm, khuyết tật, trách nhiệm gia đình, nhiễm HIV, thành lập hoặc tham gia công đoàn hoặc tổ chức nội bộ của người lao động.
Người sử dụng lao động bị cấm phân biệt đối xử với người lao động khuyết tật trong mọi vấn đề liên quan đến việc làm. Người sử dụng lao động được yêu cầu chăm sóc sức khoẻ cho người khuyết tật. Khuyết tật dẫn đến sự giảm thiểu chức năng hoạt động, gặp khó khăn trong làm việc, sinh hoạt và học tập. Người sử dụng lao động cần tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật làm việc, trong đó bao gồm việc thích nghi với các phương tiện thích ứng, các thiết bị an toàn, đảm bảo điều kiện thích hợp của máy móc, thiết bị, công cụ. Người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến người lao động khuyết tật về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của họ.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật được hỗ trợ để cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước và miễn, giảm tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất, kinh doanh theo tỷ lệ lao động là người khuyết tật, mức độ khuyết tật của người lao động và quy mô doanh nghiệp.
Người sử dụng lao động bị cấm các hành vi sau đây khi sử dụng lao động khuyết tật: yêu cầu người lao động khuyết tật làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm đối với lao động khuyết tật bị suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên; sử dụng người lao động khuyết tật làm những công việc nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại theo danh mục Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành.
Hành vi kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV cũng bị cấm theo pháp luật. Người sử dụng lao động có trách nhiệm: tổ chức tuyên truyền, giáo dục các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS, chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; bố trí công việc phù hợp với sức khỏe và trình độ chuyên môn của người lao động nhiễm HIV; tạo điều kiện cho người lao động tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Người sử dụng lao động không được có các hành vi sau đây: chấm dứt hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; ép buộc người lao động còn đủ sức khoẻ chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV; từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nhiễm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển nhiễm HIV, ngoại trừ một số nghề trong danh mục Chính phủ quy định phải xét nhiệm HIV trước khi tuyển dụng.
Hành vi phân biệt đối xử với công đoàn cũng bị cấm theo Luật Công đoàn. Các hành vi gây bất lợi đối với người lao động vì lý do thành lập, tham gia và tổ chức hoạt động công đoàn cũng được coi là hành vi phân biệt đối xử và bị cấm.
Người sử dụng lao động phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ trong tuyển dụng, phân công, đào tạo, trả lương, thưởng, bổ nhiệm, thanh toán tiền lương và các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, điều kiện làm việc, an toàn lao động, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và các phúc lợi xã hội khác liên quan đến điều kiện vật chất và tinh thần của người lao động.
Theo Bộ luật Lao động, người lao động được bảo vệ khỏi sự phân biệt đối xử hoặc bị loại trừ, theo cách ảnh hưởng đến cơ hội việc làm bình đẳng, trên cơ sở chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, dân tộc, giới tính, tuổi, mang thai, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, niềm tin, quan điểm chính trị, khuyết tật, trách nhiệm gia đình, nhiễm HIV hoặc tham gia công đoàn hoặc tổ chức nội bộ của người lao động.
Các quy định của Bộ luật Lao động mới (2019) và Nghị định thi hành (2020) được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Nguồn: Điều 16 và 26 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (số 18/2013/L-CTN); Điều 5, 8, 158, 175, Bộ luật Lao động, 2019; Điều 2, 4, 14, và 34 Luật Người khuyết tật (số 51/2010/QH12); Điều 14 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/ADIS) (số 64/2006/QH11); Điều 9 Luật Công đoàn (số 12/2012/QH13); Nghị định số 28/2015//NĐ-CP.
Quyền làm việc
Hiến pháp bảo đảm quyền tự do làm việc cho mọi công dân. Theo quy định tại Điều 33 của Hiến pháp, mọi người đều có quyền tự do kinh doanh trong các lĩnh vực và ngành nghề mà pháp luật không cấm. Hiến pháp bảo vệ quyền của người dân về quyền làm việc và lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc.
Điều 153-154 của Bộ luật Lao động bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ và khuyến khích sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ làm việc thuận lợi. Tuy nhiên, một thông tư từ năm 2013 nghiêm cấm việc sử dụng lao động nữ trong 77 ngành nghề, trong đó 38 ngành áp dụng cho tất cả các lao động nữ và 39 ngành nghề/công việc còn lại được áp dụng cho lao động nữ mang thai và cho con bú. Các công việc có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản và nuôi con, làm việc trong các hầm mỏ, và làm việc dưới nước bị cấm theo Luật Lao động.
Lao động nữ không còn bị cấm làm một số công việc nhất định, chẳng hạn như công việc khai thác hầm mỏ dưới lòng đất.
Các quy định của Bộ luật Lao động mới (2019) và Nghị định thi hành (2020) được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
Nguồn: Điều 33 và 36 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (số 18/2013/L-CTN); Điều 4, 32, 135, Bộ luật Lao động, 2019; Nghị định số 26/2013//TT-BLĐTBXH.