Không bị sa thải

This page was last updated on: 2023-06-13

Việc làm độc hại

Người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa khi lao động nữ đang mang thai tháng thứ 6 hoặc thứ 7 hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.

Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai từ tháng thứ 07, phải được chuyển sang làm công việc nhẹ hơn hoặc phải được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không được giảm tiền công, tiền trợ cấp kèm theo cho đến khi con của người lao động đủ 12 tháng tuổi.

Thông tư liên tịch năm 2011 đưa ra danh sách gồm 79 ngành nghề không được sử dụng lao động nữ (bao gồm cả lao động nữ đang mang thai cũng như đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi). Ngoài các công việc không được sử dụng lao động nữ trên, các ngành nghề không được sử dụng lao động nữ đang mang thai và nuôi con dưới 12 tháng bao gồm, tiếp xúc trực tiếp với nguồn phóng xạ, hóa chất có thể ảnh hưởng đến nhau thai và nguồn sữa mẹ, làm việc trong lĩnh vực sản xuất cao su, lái máy kéo nông nghiệp và lái máy thi công.

Người sử dụng lao động phải bảo đảm có đủ phòng tắm và nhà vệ sinh tại nơi làm việc theo quy định của Bộ Y tế. Họ được khuyến khích hợp tác với tổ chức công đoàn cơ sở trong việc xây dựng kế hoạch và biện pháp để lao động nữ có việc làm thường xuyên, có lịch làm việc linh hoạt như các công việc bán thời gian và công việc làm tại nhà theo nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các ngành nghề, công việc có hại cho chức năng sinh con và nuôi dạy con.

Người sử dụng lao động phải cung cấp đầy đủ thông tin cho người lao động về các mối nguy hiểm và yêu cầu của công việc trước khi người lao động đưa ra quyết định; đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động khi giao cho họ các công việc thuộc danh mục nêu trên.

Các quy định của Bộ luật Lao động mới (2019) và Nghị định thi hành (2020) được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Nguồn: Điều 137 và 142 của Bộ luật Lao động, 2019; Thông tư liên tịch Quy định điều kiện lao động độc hại và Danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ (Số 40/2011/TTLT-BLĐTBXH-BYT) ngày 28 tháng 12 năm 2011.

Không bị sa thải

Lao động nữ được đảm bảo việc làm trong thời gian nghỉ thai sản được quy định theo pháp luật. Theo Điều 137.3 của Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được quyền sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, có thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng. Việc sa thải này được coi là trái pháp luật.

Người lao động mang thai có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nếu một cơ sở y tế có thẩm quyền đã khẳng định rằng việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi. Thông báo chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này được quy định bởi các cơ sở y tế.

Các quy định của Bộ luật Lao động mới (2019) và Nghị định thi hành (2020) được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Nguồn: Điều 137 (3) của Bộ luật Lao động, 2019

Quay lại cùng vị trí công việc

Lao động nữ sau khi hết thời gian nghỉ thai sản được đảm bảo công việc cũ khi trở lại làm việc. Trong trường hợp việc làm cũ không còn, người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Các quy định của Bộ luật Lao động mới (2019) và Nghị định thi hành (2020) được áp dụng kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.

Nguồn: Điều 140 của Bộ luật Lao động năm 2019.

Loading...